Đại học Luật Hà Nội công bố kết quả giám định

Đánh giá bài viết :

Bức xúc vì đủ điểm nhưng không có tên trong trúng tuyển, thí sinh Trần thị Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) đã 3 lần gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng. Theo đó, Đại học Luật Hà Nội đã phải gửi cơ quan công an giám định chữ viết trong các bài thi. Kết quả giám định cho kết quả: “Chữ viết tại phần “Bài làm” trên tài liệu cần giám định so với chữ viết trên các tài liệu mẫu so sánh không phải do cùng một người viết ra”.

Theo Vietnamnet đưa tin, trong hai tháng 10 và 11, Trần Thị Phương – thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh cao học luật khoá 22 của trường Đại học Luật Hà Nội đã gửi liên tiếp 3 lá đơn đơn khiếu nại tới Bộ trưởng và thanh tra Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng và các thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng một số cơ quan truyền thông về việc điểm thi của thí sinh này đủ tiêu chuẩn đỗ nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển.

Theo nội dung đơn khiếu nại, thí sinh Trần Thị Phương đã tham gia kỳ thi tuyển sinh cao học luật khoá 22 diễn ra vào các ngày 29, 30, 31/8/2014. Nhưng theo kết quả thi được công bố trên website chính thức của trường Đại học Luật Hà Nội ngày 8/10/2014, Phương không có tên trong danh sách trúng tuyển mặc dù đạt tổng điểm 12. Trong danh sách trúng tuyển này có tới 22/62 thí sinh được báo trúng tuyển có số điểm bằng hoặc dưới số điểm của Phương.

vanbang2daihocluat-ket-qua-giam-dinh-ki-thi-cao-hoc-dh-luat-ha-noi-1

Đại diện Đại học Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyến, khoa Sau đại học – Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: Nhà trường đã thực hiện đúng quy định và áp dụng đầy đủ trình, tức là sau khi có kết quả thi đã công bố điểm cho thí sinh rồi mới xác định điểm trúng tuyển. Khi xác định điểm trúng tuyển cảu các thí sinh, bộ phận chuyên môn sẽ rút bài thi của thí sinh trúng tuyển để kiểm tra. Đối với trường hợp thí sinh Trần Thị Phương, ngay khi so sánh sơ bộ về chữ viết trong bài thi môn chuyên ngành với chữ viết trong phần thi tự luận của môn ngoại ngữ, cán bộ nhà trường đã thấy có sự khác biệt.

Ngày 20/10/2014 (trước khi công bố điểm trúng tuyển trên trang web của nhà trường), nhà trường đã có thông báo mời thí sinh Phương đến trường làm việc để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và công bằng trong kì thi.

Tại buổi làm việc này, thí sinh Trần Thị Phương được yêu cầu viết một đoạn văn bằng Tiếng Việt và một đoạn văn bằng Tiếng Anh để so sánh với mẫu chữ viết trong các bài thi. Tuy nhiên, sau khi viết một đoạn văn bằng Tiếng Việt thí sinh này đã từ chối không tiếp tục viết phần Tiếng Anh với lý do: “Em viết được nhiều kiểu chữ tùy thuộc vào tâm trạng. Em đến chưa được báo trước lý do nên có cảm giác như bị ép cung. Em vừa đi công tác về và đang có một cuộc họp quan trọng nên tâm trạng không tốt, chỉ viết được một kiểu chữ”.

Trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Dân Trí, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyến còn cho biết thêm: Sau buổi làm việc giữa nhà trường với thí sinh Trần Thị Phương, chúng tôi đã gửi công văn tới Viện Khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm nghị giám định chữ viết, yêu cầu giám định chữ viết. Với tài liệu cần giám định là bài thi môn Tiếng Anh (ký hiệu A) và tài liệu mẫu so sánh là bài thi môn Luật Dân sự (ký hiệu M1) cùng với bản chữ viết tay (ký hiệu M2) của Trần Thị Phương.

Nhận được công văn từ phía Trường  Đại học Luật Hà Nội, Viện Khoa học hình sự đã nhanh chóng tiến hành giám đinh. Ngày 11/12 Viện gửi kết quả giám định với kết luận: chữ viết tại phần “Bài làm” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ viết trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2 không phải do cùng một người viết ra”.

“Căn cứ vào kết quả trên, nhà trường sẽ có công văn thông báo cho thí sinh Trần Thị Phương và các cơ quan liên quan, cũng như đơn vị thí sinh này công tác. Việc xử lý sẽ theo quy định của pháp luật” ông Nguyễn Văn Tuyến, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho hay.

Nguồn : Người đưa tin