Tổng hợp những sự kiện chấn động ngành giáo dục 2014

Đánh giá bài viết :

Những vụ việc gây chấn động ngành giáo dục trong năm 2014 được báo chí đưa tin như: Cổ đông ĐH Hoa Sen muốn thay thế hiệu trưởng; Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa bị tố đạo văn; Phụ huynh phản đối sáp nhập trường, gần 600 học sinh nghỉ học; ĐH Tôn Đức Thắng kiện giáo sư Việt kiều;…

Cổ đông ĐH Hoa Sen muốn thay thế hiệu trưởng

Tháng 1 năm 2014, vụ lùm xum tại trường Đại học Hoa Sen tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Đặc biệt là sau Đại hội đồng cổ đông, khi Hội đồng quản trị (HĐQT) của trường đề nghị chuyển đổi điều lệ hoạt động của trường từ “hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận” thành “hoạt động không vì lợi nhuận theo Luật giáo dục đại học năm 2013”.

Cuộc họp HĐQT bất thường diễn ra vào sáng 2/8 và kết thúc vào 5h chiều cùng ngày. Trong cuộc họp này, 30% cổ đông đồng ý bãi nhiệm lãnh đạo hiện hành và bầu lại HĐQT mới . 98,5% biểu quyết bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT – ông Trần Văn Tạo và 98,75% biểu quyết bãi nhiệm hiệu trưởng nhà trường – bà Bùi Trân Phượng.

tong-hop-nhung-su-kien-chan-dong-nganh-giao-duc-2014-1

Cuộc họp đại hội đồng cổ đông của ĐH Hoa Sen ngày 2/8. Nguồn ảnh: Vietnamnet

Được biết, do sự bất đồng về mục tiêu phát triển mô hình nhà trường nên đã nảy sinh mâu thuẫn. Mục tiêu mà hiệu trưởng đề ra là phát triển trường theo mô hình “trường tư phi lợi nhuận”, phần lớn cổ đông cho rằng nhà trường nên hoạt động theo mô hình “lợi nhuận”.

Sáng 6/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định đình chỉ tuyển sinh của Trường Đại học Hoa Sen – chương trình đào tạo cử nhân ngành quản lý khách sạn – nhà hàng quốc tế do phát hiện những vi phạm về quy định đào tạo tại ngôi trường này. Thời hạn đình chỉ là 12 tháng.

Đào tạo cử nhân ngành quản lý khách sạn – nhà hàng quốc tế là chương trình liên kết đào tạo giữa Trường ĐH Hoa Sen với Trường Kinh doanh quốc tế quản lý du lịch và khách sạn Vatel, thuộc Vatel Devolopment (Pháp).  

Lý do dẫn tới quyết định đình chỉ của Trường ĐH Hoa Sen là vi phạm quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa bị tố đạo văn

Dư luận lại được một phen xôn xao khi các hình ảnh trong luận án phó tiến sĩ khoa học Toán – Lý của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương (phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) bảo vệ năm 1996 hầu như giống y hệt với nội dung trong luận án Phó tiến sĩ Khoa học của PGS.TS Đặng Văn Khải, được bảo vệ 10 năm trước đó (1986).

tong-hop-nhung-su-kien-chan-dong-nganh-giao-duc-2014-2

Trang 41 trong Luận án của PGS. TS Nguyễn Cảnh Lương và trang 25 trong Luận án của PGS. TS Đặng Văn Khải

Sau đó Bộ Giáo Dục – Đào Tạo kết luận nội dung giống nhau chỉ là một phần, không đủ cơ sở để kết luận ông Nguyễn Cảnh Lương “đạo văn” và hàm học vị của ông này cũng không bị thu hồi.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra những điểm sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; trách nhiệm của cơ sở đào tạo, hội đồng chấm luận văn, luận án và đưa ra một số chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi sao chép luận án, luận văn.

Vào trung tuần tháng 10/2014, thêm một đơn tố cáo về hành vi sao chép luận văn, luận án của TS Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đối với PGS. Trần Văn Tớp – Hiệu phó Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trong đơn, ông Nguyễn Ngọc Thành tố cáo PGS. Trần Văn Tớp chép lại gần như toàn bộ nội dung cuốn giáo trình “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS. PTS Võ Viết Đạn. Vụ việc hiện đã được Thanh tra Bộ GD-ĐT tiếp nhận và làm rõ. Nếu có vi phạm sẽ xử phạt theo đúng pháp luật hiện hành.

Phụ huynh phản đối sáp nhập trường, gần 600 học sinh nghỉ học

Sự việc xảy ra tại xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh khi có quyết định sáp nhập Trường THCS Hương Bình với một trong hai trường cùng huyện. Mặc dù không liên quan nhưng những phụ huynh học sinh có con em đang theo học tại trường mầm non và tiểu học Hương Bình ra sức phản đối và có những hành động như căng lều, dựng bạt ngay trước cổng trường để phản đối việc sáp nhập. Vụ việc lên tới cao trào khi số học sinh không được đến lớp có lúc lên tới gần 600 em.

tong-hop-nhung-su-kien-chan-dong-nganh-giao-duc-2014-3

PHHS căng bạt phản đối sáp nhập trường. Nguồn ảnh: Khám Phá

Đứng trước vụ vệc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp ra chỉ thị yêu cầu nhà trường và các ban ngành liên quan phải đảm bảo cho học sinh đến trường. Tuyệt đối không để tình trạng ảnh hưởng xấu đến việc học tập của các cháu.

Tới ngày 25/11, Phó thủ tướng trực tiếp chủ trì cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo Sở Giáo dục, huyện Hương Khê. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu trong tháng 12 các ban đơn vị liên quan phải có phương án giải quyết và đưa học sinh trở lại trường.

Về phía chính quyền địa phương, sau khi sử dụng nhiều lần đối thoại nhưng hoàn toàn không nhận được kết quả như mong đợi do đó đã áp dụng các các biện pháp “mạnh tay”. Cụ thể là cách chức Phó Chủ tịch HĐND xã, quyết định tạm ngừng công tác đối với hiệu trưởng để vận động cháu tới trường.

Hiện nay những người được cho là “đứng đầu việc tổ chức phản đối” cũng đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể về việc học sinh trở lại trường.

ĐH Tôn Đức Thắng kiện giáo sư Việt kiều

Ngày 29/7, ĐH Tôn Đức Thắng đâm đơn kiện giáo sư Nguyễn Đăng Hưng về việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại giữa người sử dụng lao động với người lao động”. Trong đơn kiện, đại diện của nhà trường cho rằng GS. Nguyễn Đăng Hưng đã không hoàn thành trách nhiệm khi đảm nhiệm vai trò cố vấn cao cấp cho trường. Đặc biệt là trong khi trường đã đầu tư không ít chi phí và công sức hỗ trợ tuy nhiên GS Hưng vẫn chưa thực hiện việc xây dựng cho trường một tạp chí khoa học bằng tiếng Anh.

tong-hop-nhung-su-kien-chan-dong-nganh-giao-duc-2014-4

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Nguồn ảnh: Dân Trí

Theo đó, Nhà trường yêu cầu GS Hưng bồi thường chi phí là 461 triệu đồng.

Theo đại diện nhà trường thì khi thực hiện vai trò tổng biên tập của APJCEN GS Hưng đã không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tạp chí cho trường. Và “đã có dấu hiệu gian dối khi tự ý thỏa thuận về việc Nhà xuất bản Springer và ban biên tập sẽ là các nhà sáng lập song hành của tạp chí, gạt bỏ đi vai trò sáng lập của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ông Hưng còn chủ động thỏa thuận với Nhà xuất bản Springer rằng Springer là chủ của tạp chí” – trích đơn kiện của ĐH Tôn Đức Thắng.

Ngoài ra, vào ngày 25/4/2014, ông Hưng đã tự ý đăng tải nội dung trên một diễn đàn: “Chúng tôi trân trọng thông báo đến quý vị rằng bây giờ Trường ĐH V. (vì lý do khách quan, chúng tôi xin không để tên trường ĐH này) sẽ thay thế Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong vai trò đối tác chính của tạp chí APJCEN chúng tôi”. Đáng lẽ ra phải để logo của trường ĐH Tôn Đức Thắng thì ông Hưng đã thay thế bằng logo của trường ĐH V. trên trang chủ của tạp chí APJCEN.

Theo đại diện và đơn tố cáo của Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì hành vi của ông Hưng đã “chính thức phủ nhận mọi sự tài trợ, đầu tư cả tài chính, nhân sự mà trường đã sử dụng cho quá trình xây dựng, thành lập tạp chí và vi phạm hợp đồng”.

Nguồn : Người đưa tin