Luật sư ngày càng được xã hội trọng vọng
Luật sư được ví như hình ảnh đại diện, thể hiện đầy đủ nhất những đặc trưng của ngành luật. Không giống như những nghề bình thường khác, nghề luật sư ngoài những yêu cầu cao về kiến thức, trình độ chuyên môn mà còn đòi hỏi vốn hiểu biết nhất định về các lĩnh vực khác của đời sống và xã hội. Theo đà phát triển của nền kinh tế những năm gần đây, nghề luật sư ngày càng được trọng vọng trong xã hội. Đặc biệt là khi họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc góp phần bảo vệ quyền cơ bản của công dân, doanh nghiệp và phát triển xã hội.
Ngành Luật ở Việt Nam
Ở Việt Nam do điều kiện kinh tế, xã hội đặc thù nên nghề luật cũng như các quy định về hành nghề luật được ra đời khá muộn. Nhân lực thuộc ngành luật ở nước ta hiện còn đang trong tình trạng thiếu và mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, mật độ của số lượng nhân sự này lại phân bố lại không đều, đa số tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Trong nội bộ ngành, các luật sư đã mở rộng phạm vi hoạt động. Không chỉ ở các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, thương mại mà trong lĩnh vực pháp luật dân sự cũng khá sôi động. Đặc biệt là các lĩnh vực như tư vấn về đất đai, hôn nhân gia đình. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hoá, ngành luật nói chung và các luật sư nói riêng đang phát huy hết sức vai trò của mình nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết ổn thỏa các các tranh chấp phát sinh đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như đầu tư nước ngoài, quan hệ thương mại hàng hoá có yếu tố nước ngoài, sở hữu trí tuệ…
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho ngành luật trong nước.
Trong các giai đoạn trước, nếu muốn hành nghề luật bắt buộc các luật sư phải hoạt động trong một tổ chức luật như tham gia Văn phòng luật, các công ty hoặc tổ chức hành nghề luật thì nay luật sư hoàn toàn được phép hành nghề với tư cách cá nhân. Tự nhận về các hợp đồng dịch vụ và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng hoặc làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động.
Hướng phát triển của ngành luật trong nước
Tuy có những nét riêng biệt nhưng ngành luật Việt Nam vẫn có những điểm tương đồng với sự phát triển của thế giới. Luật sư Việt cũng phát triển theo một trong hai hệ thống pháp luật Civil Law hoặc Common Law. Sự chuyên môn hóa trong cơ cấu ngành ngày càng thể hiện sâu sắc và rõ rệt. Một luật sư không còn kiêm nhiệm quá nhiều lĩnh vực mà thay vào đó là các chuyên môn cụ thể như “luật sư hình sự“, “luật sư về chứng khoán“, “luật sư về thừa kế”, “luật sư về bảo hiểm”, “luật sư về hôn nhân & gia đình”, “luật sư về ngân hàng”, “luật sư về bất động sản”,… Thậm chí còn chuyên môn hóa sâu sắc tới mức có sự hiện hữu của các loại hình luật sư như “luật sư chuyên về tai nạn giao thông”, “luật sư chuyên về bồi thường thiệt hại”,….
Cơ hội việc làm ngành luật
Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về các cơ hội việc làm của ngành luật tại Việt Nam khi cầu lao động ngành luật hiện duy trì ở mức quá cao trong khi lượng cung lại cực kì khiêm tốn. Thiết nghĩ có lẽ do định hướng nghề nghiệp ở các bậc học phổ thông chưa thật sự tốt đã gián tiếp gây nên sự rối loạn trong thị trường lao động. Nghề thiếu thì cứ thiếu, nghề thừa thì cứ thừa gây không ít tổn hại cho cả gia đình và xã hội. Sinh viên học đại vẫn phải học văn bằng hai để tìm kiếm phương án dự phòng cho tương lai của mình. Và ngành luật luôn là một trong số các sự lựa chọn sáng giá.
Trước mắt, trong cơ chế mở cửa hội nhập thì cơ hội việc làm ngành luật ngày càng rộng mở. Bởi tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, tất cả các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp đều cần đến những người có kiến thức pháp luật. Mặt khác, khi đã là một trong số các thành viên của tổ chức thương mại thế giới – WTO, các doanh nghiệp càng cần nhân lực ngành luật làm việc và tư vấn để có thể yên tâm kinh doanh và không bị thua thiệt trên trường quốc tế cũng như ngay tại sân nhà.
Giáo dục ngành luật
Bắt kịp với xu thế phát triển của nền kinh tế, cơ chế giáo dục trong nước cũng có rất nhiều sự đổi thay và hỗ trợ cho người học. Cụ thể là các khóa học văn bằng 2 đại học luật, các chương trình liên thông đại học luật hay học tại chức luật. Tạo điều kiện cho cả sinh viên có mong muốn trau dồi thêm kiến thức và cả những người đang đi làm muốn tích lũy thêm kiến thức ngành luật để có một công việc với mức đãi ngộ tốt hơn.
theo Báo điện tử dân trí