Bạn đã biết những qui định về tiền lương?

Đánh giá bài viết :

Kiến thức ngành Luật | Văn bằng 2 Đại học Luật

Trả lương cho người lao động là một trong những nghĩa vụ cơ bản của người sử dụng lao động. Tuy vậy, nguyên tắc, những hình thức trả lương cũng như cách tính lương trong một số trường hợp còn gây ra nhiều nhầm lẫn cho doanh nghiệp. Theo quy định của Bộ luật Lao động, thì tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả cho người lao động (NLĐ) để thực hiện công việc theo thỏa thuận, trong đó bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, cộng phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thể hiện trong hợp đồng lao động (HĐLĐ).

ban-da-biet-cac_quy_dinh_ve_tien_luong

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn lao động nhiều năm, PLF muốn giúp các doanh nghiệp tổng hợp các qui định về tiền lương như sau:

Nguyên tắc trả lương cho NLĐ

1. Lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Lương trả cho NLĐ phải căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. Bảo đảm trả lương bình đẳng, không được phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau.

4. Phải trả lương trực tiếp, trả đầy đủ và đúng thời hạn. Trong trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng và NSDLĐ phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Nếu NSDLĐ không trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn là một trong những căn cứ để NLĐ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

5. Không được dùng hình thức cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, chỉ trừ trường hợp khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, hoặc các thiết bị của NSDLĐ theo quy định.

Hình thức trả lương cho NLĐ

Tiền lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng. Người sử dụng LĐ có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, trả theo sản phẩm hoặc khoán và phải duy trì trong một thời gian nhất định. Trong trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ biết trước ít nhất 10 ngày.

1. NLĐ hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Trường hợp NSDLĐ trả lương theo giờ, ngày, tuần thì phải trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Riêng đối với hình thức trả lương theo sản phẩm và theo khoán, thì các bên sẽ tự thỏa thuận về thời hạn trả lương. Nếu như công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Cách tính tiền lương trong một số trường hợp cụ thể:

1. Tiền lương thử việc: Tiền lương trong thời gian thử việc do NLĐ và NSDLĐ tự thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

2. Tiền lương làm thêm giờ: Tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a. Ngày thường ít nhất bằng 150%;

b. Ngày nghỉ hằng tuần ít nhất bằng 200%;

c. Ngày nghỉ lễ, hoặc ngày nghỉ có hưởng lương, thì ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, và ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày.

3. Với tiền lương làm việc vào ban đêm (được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau)

NLĐ làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
4. Với Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm:
NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định về việc làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm như nêu trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
5. Vấn đề tiền lương trong thời gian ngừng việc
a. Trong trường hợp phải ngừng việc do lỗi của NSDLĐ thì NLĐ vẫn được trả đủ tiền lương.
b. Trong trường hợp do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương; còn những NLĐ khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
c. Trong trường hợp vì sự cố về điện, sự cố nước mà không do lỗi của ai hoặc xảy ra nguyên nhân khách quan như thiên tai,  dịch bệnh nguy hiểm,hoả hoạn… hoặc vì lý do kinh tế gây ra, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
6. Vấn đề tiền lương khi tạm thời chuyển đổi công việc
NSDLĐ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ, thế nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, chỉ trừ trường hợp được sự đồng ý của NLĐ. Người lao động được trả lương theo công việc mới; nếu như tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Còn tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
7. Vấn đề tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ công việc
Trong quá trình xác minh vi phạm của NLĐ để xem xét xử lý kỷ luật lao động, Người sử dụng có quyền tạm đình chỉ công việc của NLĐ. Thời gian này, người LĐ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Trong trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động thì NLĐ cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng. Còn nếu không bị xử lý kỷ luật lao động thì NSDLĐ phải trả đủ tiền lương cho NLĐ trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
8. Vấn đề tiền lương trong trường hợp học nghề.
Trong thời gian học nghề, và tập nghề, nếu như người học nghề – tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì sẽ được NSDLĐ trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.