Điểm chuẩn ngành Luật kinh doanh ngày càng cao
Trong vài năm trở lại đây, chuyên ngành Luật kinh doanh thu hút rất nhiều thí sinh dự thi ở các hệ đào tạo ĐH luật chính qui và cả hệ văn bằng 2 đại học luật – chuyên ngành Luật kinh doanh. Trong năm 2014, theo thống kê điểm chuẩn ngành Luật kinh doanh khá cao (từ 18 – 21 điểm) tùy vào từng trường và tùy khối thi. Các trường đào tạo ngành luật kinh doanh gồm: Trường ĐH Kinh tế – Luật, Khoa Luật (ĐH QGHN) và ĐH Kinh tế TPHCM…
Mục tiêu đào tạo ngành Luật kinh doanh
Nắm vững kiến thức cơ bản về các lĩnh vực Luật, luật Kinh tế. Có kiến thức cơ sở ngành vững chắc, và nắm vững các kiến thức chuyên môn ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Sinh viên ngành Luật kinh doanh phải nắm vững được các kiến thức chuyên ngành về Luật kinh doanh cũng như các kiến thức nền tảng về kinh tế.
Có năng lực vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn luật, vận dụng các kiến thức chuyên ngành vào kỹ năng thực hành giải quyết các vụ án, các vụ việc, phải có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề thuộc về pháp luật. Hiểu kiến thức thực tiễn mang tính thời sự về hoạt động dân sự, hoạt động tài chính ngân hàng, chứng khoán, lĩnh vực kinh doanh, và thương mại trong nước cũng như thế giới.
Có kiến thức hiểu biết chung về các lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực lịch sử và xã hội. Có khả năng giải quyết mối quan hệ trong tổ chức, và điều hành và quản lý.
Về kỹ năng của sinh viên ngành Luật kinh doanh
Có trình độ tin học văn phòng tương đương trình độ B trở lên, biết khai thác hiệu quả thông tin qua internet, biết sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành; và phải có trình độ tiếng Anh tương đương 450 TOEIC
Ngoài ra, các sinh viên còn được huấn luyện kỹ năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo cũng như kỹ năng hợp tác, khả năng làm việc nhóm có hiệu quả cao; có kỹ năng lập luận, kỹ năng thuyết trình, và viết báo cáo; tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ năng tư duy, thực nghiệm và ứng dụng. Khả năng tư vấn pháp luật, giải quyết các vụ án, tham gia các phiên tòa, vụ việc một cách hiệu quả.
Về thái độ của người học luật kinh doanh
Có phẩm chất – đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm công dân; có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp; có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn; Chấp hành nghiêm túc chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có lòng yêu nước và tinh thần khoan dung đối với các dị biệt về ngôn ngữ và văn hóa trong giao tiếp.
Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp: Các sinh viên ngành Luật sau khi ra trường có thể làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước cũng như nước ngoài; hay các văn phòng tư vấn pháp luật, các công ty luật trong nước và quốc tế; Tòa án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, UBND các cấp, tại sở ban ngành tại các địa phương… Hoặc công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, tổ chức hợp tác quốc tế …